Cô Quyền bên xe chè hương vị miền Tây giữa lòng Sài Gòn.

Mỗi ngày, từ 6 giờ sáng, xe chè đầy đủ màu sắc của cô Quyền nằm trong con hẻm số 180, Phạm Phú Thứ luôn tấp nập khách ra vào. Đa số người đến mua là các cô chú đi chợ sáng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người hiếu kỳ tìm đến để thưởng thức món chè bánh canh.

Bánh canh... nhưng không phải bánh canh: Món chè độc lạ, hiếm có khó tìm

Chè bánh canh vốn là món ăn có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, nhưng do không phổ biến nên nó còn xa lạ với nhiều người. Là một trong số ít người bán ở TPHCM, cô Quyền chia sẻ: "Chè bánh canh rất ít người biết đến, nhưng mà nếu ai ăn quen thì sẽ thấy ngon".

Món chè độc lạ, bánh canh mà... không phải bánh canh khiến nhiều người hiếu kỳ tìm đến.

Đôi tay thoăn thoắt lấy chè cho khách, cô Quyền nói: "Từ năm 7 tuổi, tôi đã cùng mẹ gánh chè đi bán rong khắp con phố ở TPHCM để mưu sinh. Đến năm 12 tuổi, khi mẹ đã già, tôi được mẹ truyền lại nghề và tự mình gánh chè đi bán thay mẹ".

Vào năm 2000, cô thuê một góc nhỏ trong chợ Bình Tiên để bán các loại chè truyền thống miền Tây như: chè bà ba, chè xôi nước,... Nhưng tình hình mua bán chè lúc đó rất khó khăn. Để bám trụ được với nghề truyền thống của mẹ, cô Quyền luôn phải thay đổi đa dạng nhiều món chè khác nhau.

Khi thấy được một người quen bán chè bánh canh gần khu vực mình ở vừa nghỉ bán, cô Quyền quyết định bán thêm món này. Cô tự mày mò, làm đi làm lại, hư rất nhiều lần mới rút ra được bí kíp riêng.

"Lúc đầu làm món chè bánh canh này tôi cũng thất bại nhiều lắm. Có lần sợi bánh canh bị đứt gãy, có lần thì nước không ngon. Nhưng làm hoài, làm hoài, giờ thì mọi người ăn khen ngon. Tôi vui lắm", cô Quyền mỉm cười chia sẻ.

Ngoài chè bánh canh, quán cô Quyền còn có nhiều loại chè chuẩn bị miền Tây khác do cô tự tay làm hoàn toàn thủ công.

Cô cho biết, loại chè này làm từ bột gạo, nấu cùng đường thốt nốt. Bột gạo khi mua về, cô Quyền nhồi cho mịn, sau đó lấy trùng theo cách xưa. Rồi cô cắt bột thành từng cọng bánh canh, sau đó bỏ vào nấu cùng đường thốt nốt, để lửa liu riu khoảng 2-3 tiếng.

Hơn 20 năm gìn giữ hương vị chè truyền thống

Hầu hết các công đoạn làm ra món chè đều được cô Quyên làm thủ công, theo cách truyền thống xưa. Sợi bánh canh nhà làm vừa dai, vừa mềm kết hợp cùng đường thốt nốt giúp món chè có màu sắc bắt mắt, vị ngọt thanh thấm đẫm từng sợi.

Khi thưởng thức món này, thực khách sẽ cảm thấy kích thích vị giác hơn khi ăn cùng nước cốt dừa. Đối với cô Quyền, chè phải ăn cùng nước cốt dừa thì nó mới đỡ ngán, tạo cảm giác béo béo, thơm lừng khi ăn.

Mặc dù, chè bánh canh với chỉ với 3 nguyên liệu giản dị là bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa nhưng lại tạo ra một hương vị vô cùng thơm ngon và khiến một số người thấy "thèm" khi nhắc đến.

Hiện tại, ngoài món chè bánh canh độc lạ, trên xe chè của cô Quyền con có hơn 8 loại chè khác nhau như: chè trôi nước, chè bánh xếp, chè bắp lá dứa, chè thưng, chè đậu,... Các món chè được để trong từng thau khổng lồ đầy đủ màu sắc, trông rất bắt mắt.

Dù bán chè trên TPHCM, nhưng chè của cô Quyền vẫn giữ được hương vị truyền thống của miền Tây. Theo cô, để khách tin tưởng ghé thưởng thức món chè phải có những bí quyết riêng.

Đó là cô luôn đặt chất lượng chè lên hàng đầu, nguyên liệu ngon thì chè mới ngon được. "Tôi rất kỹ trong việc chọn nguyên liệu, tốt thì tôi mới mua nấu, nếu hôm đó không chọn được đồ vừa ý thì tôi sẽ không nấu món chè đó", cô Quyền cho biết.

Tấm biển quảng cáo "bá cháy" của cô Quyền.

Trải qua ngần ấy thời gian, gắn bó với nghề bán chè, cô Quyền tâm sự, gánh chè là nơi nuôi sống cả gia đình cô. Đến nay, nhờ hương vị chè ngon và món chè bánh canh đặc biệt, xe chè của cô Quyền cũng được nhiều thực khách gần xa biết đến.

"Chè bánh canh ở đây có vị ngọt đậm đà, nước cốt dừa béo ngậy. Hương vị chè ngọt ngào mang đậm hương vị miền Tây mà chỉ 10k/phần, ngon lắm", một thực khách chia sẻ.